Disneyland 1972 Love the old s
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

 Phế Đô


Phan_35

Trang Chi Điệp về đến nhà, Triệu Kinh Ngũ kể lại việc anh bị ngất xỉu, Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt sợ phát khóc, bảo xưa nay có bị bệnh tim bao giờ đâu, liền pha nước đường cho anh uống, còn nấu cả nước gừng bưng lên, hỏi thèm ăn gì. Trang Chi Điệp đáp:

- Anh buồn ngủ.

Nói rồi đi ngủ luôn. Khách khưá ra về rồi, Ngưu Nguyệt Thanh khe khẽ cởi áo nằm cạnh chồng. Trang Chi Điệp chợt tỉnh giấc. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi anh thấy trong người thế nào, anh đáp không sao. Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Không sao thì em yên tâm.

Chị nằm gọn trong lòng chồng, chị bảo:

- Anh ương lắm cơ, nếu không xảy ra chuyện quan trọng này, có lẽ anh vẫn còn bỏ mặc em. Nhìn anh cũng gầy rộc đi, có lẽ trận ngất vừa rồi là do tim bị xốc gây nên. Đàn ông như anh phải quả cảm, chuyện tầy trời đi chăng nữa, thì cũng sẽ qua đi, có phải thế không anh?

Trang Chi Điệp nhấc cánh tay dưới eo vợ ôm lấy chị, tấm thân mềm mại như sợi bún của chị áp sát vào người chồng, song cảm thấy có cái gì cồm cộm đè vào da, chị thò tay sờ một cái, liền sờ thấy một đồng tiền. Chị hỏi:

- Đồng tiền nào vậy, quý hiếm lắm hay sao mà đeo vào người thế này?

Trang Chi Điệp ấ úng chống chế:

- Đeo thế tốt chứ sao!

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Đàn ông đeo thứ ấy làm gì, chắc chắn ai đã tặng anh, thời gian vừa qua không quản lý anh, con ngứa nghề nào không biết xấu hổ đã tán tỉnh anh chứ gỉ?

Trang Chi Điệp đáp:

- Đừng có đoán già đoán non, bắt ma doạ ma nữa. Hôm Nguyễn Tri Phi mời anh đến nhà chơi, anh ấy bảo một thầy khí công đã phát công lên một đồng tiền đúc bằng đồng của anh ấy, đeo vào người trừ được tà lại khoẻ thân, anh ấy đã tặng anh.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Nguyễn Tri Phi nói mười câu, thì chín câu thiêu thối. Tặng anh một đồng tiền mà lại nói huyên thuyên kỳ cục như thế, tại sao đeo vào còn bị bệnh tim?

Trang Chi Điệp lập tức đánh trống lảng, kể luôn chuyện A Lan và A Xán. Đương nhiên Ngưu Nguyệt Thanh chửi tay chủ nhiệm Vương kia một thôi một hồi, song lại trách A Xán làm gì phải xử lý như thế. Đàn bà xét cho cùng là đàn bà, để trả thù, cũng không nên ôm hôn chủ nhiệm Vương thật như vậy. Trang Chi Điệp nói:

- Em không hiểu.

Ngưu Nguyệt Thanh không đáp lại song thầm nghĩ, anh ấy ngất thế, thì ra là vì hai chị em kia, bèo nước gặp nhau, cho dù có đồng tình, cũng không đến mức như thế. Chị bảo: vâng, em không hiểu, anh thì hiểu cô ấy, anh hiểu cô ấy như thế nào nào?

Nhưng Trang Chi Điệp đã khe khẽ ngáy, giả vờ ngủ.

Chương 23

Mưa rào tầm tã suốt ba ngày ba đêm ở Tây Kinh. Trận mưa này như sợi thừng đay màu trắng, cứ từng sợi từng sợi, chi chít, dày đặc từ trên trời quăng xuống. Trong ba ngày, vào giữa trưa bầu trời đều u ám, từng khu cư trú bốn mặt đều là nhà và từng căn nhà gác của dân phố, chỗ nào nước cũng ngập đến cổ chân. nước từ đường và lỗ thoát nước chảy không xủê, liền tràn qua ngưỡng cửa chảy ra ngoài. Nhưng vòi nước máy thì lại không có nước. Có tin truyền đi, thì ra một đoạn đường ngoài cửa thành phía Tây bị sụt lở, đường ống bị gẫy. Liễu Nguyệt liền xách chậu ra ban công hứng nước mưa, chiếc chậu vừa thò ra đã đầy nước, nhưng lấy vào chỉ còn có một nửa, chẳng khác gì hứng nước ở thác nước. Trang Chi Điệp sốt ruột có nhiều việc cần làm, mà không sao ra khỏi cửa, ở lưng lại mọc liền bảy mụn nhọt không đau không ngứa. Ngưu Nguyệt Thanh cứ sợ mọc nhọt độc gì đó, nhưng Trang Chi Điệp bảo không sao, có thể do trời mưa khí ẩm gây ra, liền xoa vào một ít dầu cù là. Ngưu Nguyệt Thanh liền lo ngại mẹ đẻ và ngôi nhà mẹ đang ở bên Song Nhân Phủ, gọi điện thoại thì dây điện thoại bị đứt, chị bảo Liễu Nguyệt cùng đi với mình. Liễu Nguyệt đâu chịu để chị chủ đi dầm nước mưa rào rào như thế này, liền bảo để một mình cô đi. Ngày hôm ấy chiếc loa phóng thanh của bà Vi gác cổng câm mấy hôm nay đột nhiên rú lên, theo lệ thông thường, bà thổi phù phù ba cái, Ngưu Nguyệt Thanh liền bảo:

- Mưa to thế này, lẽ nào còn có người đến thăm?

Chưa dứt lời, giọng bà Vi xuyên qua trời mưa vang vọng trong sân:

- Trang Chi Điệp xuống tiếp khách! Trang Chi Điệp xuống tiếp khách!

Mặt Ngưu Nguyệt Thanh tái đi, Trang Chi Điệp hỏi em làm sao thế? Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Bây giờ hễ cứ có việc gấp, em lại hốt hoảng!

Liễu Nguyệt nói:

- Cứ để em xuống xem ai, nếu không phải việc quan trọng em sẽ tiễn luôn, nếu là việc gấp em sẽ dẫn khách lên.

Nói rồi mặc áo mưa, đi ủng vào chạy xuống. Trong cổng lớn, có một người đang đứng ướt như chuột lột, đó là ông già mua đồng nát. Liễu Nguyệt tỉnh bơ, nói với bà Vi:

- Người đâu, ai tìm Trang Chi Điệp hả bà?

Bà Vi chúm mồm chỉ vào ông già. Liễu Nguyệt ngạc nhiên, bước đến hỏi:

- Ông tìm thầy Điệp ư?

Ông già trả lời:

- Tôi tìm Trang Chi Điệp, tôi không tìm thầy Điệp.

Liễu Nguyệt liền cười:

- Có việc gì ông cứ nói với cháu.

Ông già nhìn Liễu Nguyệt bảo:

- Cô đã có lần cho tôi hai cái bánh bao.

Liễu Nguyệt đáp:

- Ông nhớ kỹ thế, cháu không cần ông cám ơn.

Ông già nói:

- Tôi không cảm ơn cô, còn chửi cô đấy, trong đêm hôm ấy, tôi ăn vào bụng chướng suốt đêm không ngủ được.

Liễu Nguyệt nói:

- Nói như vậy là ông đội mưa đến đây chửi cháu ư?

Nói rồi bỏ mặc ông, tự đi ra phố. Ông già nói:

- Cô đi thì cứ đi, trên lưng thầy giáo cô vẫn còn mọc mụn.

Liễu Nguyệt liền đứng lại, cảm thấy ngạc nhiên. Tại sao ông ấy biết trên lưng thầy Điệp mọc mụn nhỉ? Cô liền nói:

- Ôi, ông nói gì vậy?

Ông già đáp:

- Bà già Ngưu ở Song Nhân Phủ nhờ tôi tiện đường nhắn giúp, bà bảo ông lão nhà bà về nhà mấy lần, không nấu được bữa cơm nào nên hồn, con gái con rể chẳng đứa nào đến, ông lão đã lấy roi đánh con rể.

Liễu Nguyệt nói:

- Bà a có ông lão đâu, chết từ đời tám hoánh rồi cơ mà! Bà ấy lại mắc bệnh tâm thần rồi ,bây giờ cháu đang định sang bên ấy đây. Ông ơi, ông còn định đi đâu nữa không?

Ông già đáp:

- Tôi đi đâu ấy ư? Trời mưa to, đường phố không có người, tôi đến toà tỉnh trưởng thị trưởng, thì tôi là tỉnh trưởng, thị trưởng. Tôi ngồi trên bục chỉ huy giao thông thì tôi là cảnh sát. Tôi vào trong khách sạn thì tôi là người phát tài! Cô định đi Song Nhân Phủ, cô ngồi lên xe, thì trên đường đi tôi là lái xe, đến Song Nhân Phủ thì tôi là ông cô.

Liễu Nguyệt nói:

- Ông nói nhiều thế thì cháu lên xe đấy, cháu xấu hổ lắm cơ, ai lại để ông già ngần này tuổi đầu kéo cháu.

Ông già nói:

- Vậy thì cháu kéo ông, ông sẽ là quan ngồi xe con.

Liễu Nguyệt bảo:

- Cháu đâu có kéo được xe?

Thế là ông già kéo xe chạy gằn trên đường phố, ông bảo:

- Cháu có say xe không?

Liễu Nguyệt đáp:

- Không, cháu không có say.

Ông già nói:

- Vậy số cô là số ngồi xe đấy, không làm quan, thì cũng làm vợ quan.

Liễu Nguyệt sung sướng cười ngặt nghẽo. Nhưng vừa cười một cái thì nước mưa dội vào mồm, vội kéo áo mưa sát hẳn người, nhìn ông già có mái tóc như cỏ tranh cứ từng vệt từng vệt dính hết vào mặt, quần áo thì ướt sũng, trông rất rõ cái lưng còng gầy guộc. Liễu Nguyệt không đành lòng, định đưa áo mưa cho ông già. Ông già nói:

- Cô cháu này, mệnh cô rồi sẽ bạc đấy!

Liễu Nguyệt hỏi:

- Sao lại bạc hả ông?

Ông già trả lời:

- Vậy thì tại sao cháu định nhường áo mưa cho ông? Ông chạy mấy năm nay ở thành Tây Kinh, ai ai cũng coi ông là thằng điên, chỉ có những người ngủ ở trong cổng thành mới không gọi ông là thằng điên cháu ạ!

Liễu Nguyệt im lặng, bỗng chốc trong lòng rối bời. Nước đọng trên các ngõ phố mỗi lúc một sâu, quả thật là một dòng sông. Các vỉ thoát nước của đường ống thải ngầm ở dọc đường đã mở hết để cố gắng thoát thật nhanh, song lại có miệng ống phun nước lên, nước đọng gần ngập đầu gối. Ông già vừa kéo xe đi theo một bên đường, vừa chỉ cho Liễu Nguyệt bức tường vây nào đã bị sập, cây cột điện nào hố chôn bị nước ngâm nhão ra, cột nghiêng đi kéo đứt dây điện. Liễu Nguyệt cũng nhìn thấy mấy chiếc xe ô tô bị lún trong hố ngầm, còn trên đường bằng có một xe tải và một xe mười hai chỗ ngồi đâm vào nhau nằm chết dí một chỗ. Chiếc xe tải áng chừng định vượt nhưng không qua được, đầu xe đâm vào nửa thân trước của chiếc xe mười hai chỗ ngồi. Hai xe đâm nhau tạo thành hình chữ thập. Ông già cười khà khà. Liễu Nguyệt hỏi:

- Ông cười gì vậy?

Ông già đáp:

- Cháu xem cái xe tải kia định làm trò gì vậy? Trên đời vạn vật đều có linh tính, chiếc xe tải này nhìn thấy chiếc xe mười hai chỗ đã ngứa nghề, không kìm được cứ đòi hôn vào mồm cơ, không thì đâu có đâm vào nhau gây tai nạn. Ồ, cháu nhìn thấy cái kia đẹp thì cháu có thể nhìn. Tay cầm hòn than cháy đỏ, liệu hòn than có bỏng tay cháu không?

Liễu Nguyệt nhìn lại lần nữa, càng nhìn càng thấy giống như vậy, cũng cười, cười xong thì thấy khó chịu trong lòng. Ông già kéo xe đi nghịch ngợm như con khỉ, lúc thì thò nhặt cái chậu nhựa rách trên mặt nước, lúc thì vớt một chiếc giày da lăn vào thùng xe, ông bảo giày da này còn mới, chắc là nước dồn vào nhà nào rồi trôi qua cửa đấy. Tiếc rằng chỉ có một chiếc, tại sao không trôi ra một cái tivi màu và một bó tiền nhân dân tệ nhỉ? Liễu Nguyệt lại cười, nghĩ bụng, ông già này mình bảo ông ấy không điên, thì cũng cách điên không xa. Đột nhiên ông già rao một tiếng rõ to:

- Đồng nát nào,ai bán đồng nát nào!

Liễu Nguyệt ngồi trên xe nói:

- Cháu ở trên xe của ông thì cháu là đồng nát phải không?

Ông già đáp:

- Không rao không hát thì cổ họng ông đau.

Liễu Nguyệt bảo:

- Nếu cổ họng ông đau, sao ông không hát cho cháu nghe một đoạn ca dao hả ông?

Lần đầu tiên ông già quay mặt lại, trong mưa rào rào, mặt ông cười nhăn nhó, nụ cười rất cảm động ngây thơ. Ông hỏi:

- Cháu cũng thích nghe à?

Liễu Nguyệt đáp:

- Vâng thích nghe.

Ông già liền kéo xe đi phăng phăng, chiếc bánh sắt không có đệm cao su lăn nhẹ nhàng trong nước hơn lăn trên đường cạn, làm cho nước bắn tung lên trắng xoá. Thế là Liễu Nguyệt đã được nghe một đoạn ca dao thú vị:

Trung ương bay bổng lên trời

Tỉnh thị không kém cũng ngồi máy bay

Cấp huyện mui bạt đó đây

Xã trấn xe máy đêm ngày thong dong (mác ba mươi)

Nông dân mác "Đông Phương Hồng"

Thị dân xe đạp lòng vòng kính coong

Ông già quay đầu lại hỏi:

- Cô cháu tên là gì vậy?

Liễu Nguyệt đáp:

- Cháu là Liễu Nguyệt ạ

Ông già đọc luôn:

- Trời mưa Liễu Nguyệt cưỡi rồng.

Liễu Nguyệt nói:

- Cháu không đồng ý ông dùng tên cháu trong ca dao đâu.

Ông già vẫn tiếp tục nghêu ngao hát đi hát lại, người tránh mưa hai bên đường phố nghe thấy cũng học thuộc ngay. Liễu Nguyệt liền nghe thấy những người ấy cao giọng hát như sói gầm, câu cuối cùng vẫn là "trời mưa Liễu Nguyệt cưỡi rồng". Liễu Nguyệt tức quá, nhẩy ào khỏi xe, ngồi bệt trong nước.

Nhưng ông già không nghe thấy, cũng không cảm giác thấy, cứ kéo xe chạy băng băng trong mưa. Liễu Nguyệt vừa đến bên Song Nhân Phủ thì khắp đường phố đang rối tinh rối mù cả lên, người già người trẻ nhốn nháo, gần như ai cũng lấy vải nhựa, áo mưa, giấy ny lông gói bọc đồ dùng và đồ điện, bê gói lớn gói bé chạy dưới mái nhà. Nhiều cảnh sát đang quát tháo tại đó. Một số người được xe chở đi, một số người lại cố sống cố chết không chịu lên xe, lại có một đám người hối hả chạy vào sân nhà bà già, bảo là gọi điện ngay, gọi điện gấp! Ý nghĩ đầu tiên của Liễu Nguyệt là bà già đã xảy ra chuyện gì. Bất chấp tất cả, cô căm đầu căm cổ chạy. Trong nhà quả nhiên đứng đầy người, còn bà già lại ngồi xếp bằng khoanh tay trên ghế mây ở cửa. Liễu Nguyệt ào tới ôm bà hỏi:

- Bà ơi, không sao chứ?

Bà già đáp:

- Bà không sao. Cả ngày hôm qua ông cháu luôn luôn ở bên bà. Hôm nay ông lại đến, các người chẳng ai về, ông ấy điên tiết lên, bảo lấy roi đánh con rể. Ông đánh mạnh tay đấy, bà cứ lo ông ấy đánh đau thầy cháu.

Liễu Nguyệt nói:

- Làm gì có chuyện ấy. Trên lưng thầy Điệp chỉ mọc mấy cái mụn thôi mà!

Bà già bảo:

- Đấy không phải roi đánh là gì? Lúc bà còn trẻ, trong cục quản lý nước có một anh đánh xe ngựa tên là Lưu Đại Du kiếm được tiền, trên không kính bố mẹ, dưới không lấy vợ, suốt ngày đánh xe về là lao vào nhà thổ, vào cục cảnh sát. Mùa hè năm ấy sét đánh, lưng anh ta sém đi một mảng, đấy là do bị sét đóng dấu ký duyệt. Thầy Điệp của cháu bị roi đánh, mà vẫn không đến, chắc còn chờ sét ký duyệt hay sao?

Liễu Nguyệt đáp:

- Bà ơi, thầy Điệp nhiều việc lắm không dứt ra được mới sai cháu đội mưa sang đây.

Bà già nói:

- Ông cháu bảo, thằng còn rể không đến đâu, quả nhiên nó không đến thật. Ông cháu chỉ bắt nạt được bà, đòi bà làm cho ông bánh rán lá hoa tiêu. Trời mưa như trút, ông ấy cứ bắt bà ra sân hái lá cây hoa tiêu, bức tường ấy đổ mất rồi , cháu bảo có lạ không cơ chứ, bức tường ấy không đổ về bên này, mà lại đổ sang bên kia, đã đè chết mẹ già lưng còng của nhà Thuận. Ông ấy nói thế nào nhỉ, ông ấy bảo, tại sao tường không đổ sang bên này, đó là vì một con ma đàn bà đang đẩy tường, đã nhìn thấy ông, ông tươi cười với người ta, con ma ấy đã đẩy tường sang phía bên kia. Cái lão già tai ác quá!

Bà già vừa nói vừa thở hổn hển. Mấy người bên cạnh nghe câu được câu chăng, liền hỏi:

- Tường đổ là do người đẩy, chứ không phải bị ngâm nước mà đổ ư?

Liễu Nguyệt đáp:

- Ma đẩy đấy, bà tôi lẫn cẫn không phân biệt được âm dương, tin thế nào được, nếu tin thì hỏi bà. Ông cụ chết đã mấy chục năm, thử hỏi bà ấy bây giờ ông ở đâu?

Bà già bĩu môi mắng Liễu Nguyệt thường hay chống đối, như quân hằn quân thù với bà. Bà nói:

- Này ông ơi, ở bên ấy ông vẫn trăng hoa ư? Ông ấy cãi nhau với bà, cãi hăng lắm. Bọn người kia ùa vào định gọi điện thoại, ông ta bảo không quen ngửi hơi người, kêu nhức đầu mới bỏ đi.

Những người ở bên đều cười, biết ngay là một bà già tâm thần. Gọi điện thoại lâu lắm, cuối cùng đã gọi được, nói với những người đứng đó:

- Chủ tịch thành phố sẽ dẫn một phái đoàn đến cứu nạn nhân ngay bây giờ. Chủ tịch thành phố còn bảo đem theo cả phóng viên đài truyền hình, phóng viên toà báo và nhà văn Trang Chi Điệp.

Đám người hò reo ầm ĩ đổ xô ra cửa. Bà già nói:

- Mưa to thế này chủ tịch thành phố còn gọi cả thầy Điệp của cháu đến, bắt nó đi bơm nước à? Ông cháu đánh nó, nó cũng không đến, chủ tịch thành phố gọi một tiếng nó đến liền. Chủ tịch là quan, ông cháu không là quan hay sao? Ông cháu là một thủ lĩnh dưới trướng cụ Thành Hoàng mà!

Liễu Nguyệt nói:

- Có lẽ chủ tịch thành phố bảo thầy Điệp đi theo để viết văn đấy bà ạ.

Bà già bảo:

- Thế thì cháu ra xem xem, anh ấy đến, thì bảo về đây đốt cho ông cháu một ít giấy vàng.

Liễu Nguyệt chẳng nói chẳng rằng, thay bộ quần áo sạch sẽ, căng ô lên cũng đi ra phố xem. Góc tường bên trái sân quả nhiên đổ hẳn một bức, bức tường nối liền với nhà Thuận bên cạnh. Đằng sau bức tường có một nhà xí to, trong nhà xí đã rơi khá nhiều gạch đá, nước phân tràn ra ngoài, mà bên nhà xí thì có một đống gạch đá bới lên. Trước đây, Liễu Nguyệt chỉ biết mảnh đất này cũng là một khu đất trũng, chỉ có sân nhà Trang Chi Điệp đã tôn nền cao hẳn lên, nhưng có ngờ đâu qua tường sân có thể nhìn rõ nhà dân của cả khu đất trũng. Nhà ở trong khu đất này xây không theo quy luật nào cả, mọi ngôi nhà đều xây theo thế đất, cửa nhà ai cũng xây ngưỡng cửa gạch cao lên đề phòng nước ngõ ứ lên chảy vào trong nhà. Những ngõ hẹp lộn xộn kia đều nghiêng thoai thoải về một hướng, nước chảy cuối cùng đã dồn cả về trung tâm khu đất trũng hìnhthành một ao nước lớn. Trước đây có đặt một máy bơm hút nước trong ao dẫn ra đường ống ngầm ở ngoài khu đất trũng chảy đi. Bây giờ mưa tầm tã như trút nước suốt ba ngày ba đêm ròng rã, nước trong ao bơm không kịp, nước chảy ngược trở lại, ngập tới gần nửa số nhà dân. Liễu Nguyệt nhảy qua chỗ đổ của tường sân, mẹ anh Thuận vần chưa niệm đưa đi lò thiêu, còn đang đắp một tấm vải trải giường màu trắng đặt ở trong nhà. Tuy nước chưa vào trong nhà, song nước trong chiếc sân nhỏ đã ngấp nghé bậc hè. Chị Thuận và đứa con trai béo bệu đầu quấn khăn trắng đang đốt giấy tiền dưới bàn thờ đặt trước giường xác, khóc lóc thì đã từng khóc lóc rồi, bởi người đến giúp đỡ cứu nạn đông, nên không khóc nữa. Anh Thuận vừa đắp bờ đất ở cửa, vừa lấy chậu nước hất ra ngoài, vừa nói với người quen đến hỏi thăm:

- Trời mưa tôi cũng không ra phố bày bán thuốc lá, gục đầu xuống giường là ngủ, nỗi mệt mỏi của màu hè kéo đến, càng ngủ càng thấy thiếu, chợt bị một tiếng gầm làm tỉnh giấc. Nghĩ bụng, lại đổ cái gì thế nhỉ? Đi ra ngoài nhìn, thì bức tường nhà xí đã bị đổ. Mấy ngày nay nhà nào chẳng bị đổ một bức tường, hay sập một góc hiên, đổ thì đổ đi, bao giờ tạnh hãy hay. Tôi lại nằm ngủ tiếp. Song không ngủ được, chợt nghĩ sao không thấy mẹ đâu nhỉ, mẹ tôi ở trong gian nhà nhỏ đối diện, mẹ tôi lưng còng, song tai thính lắm, mọi động tịnh mẹ tôi đều đi ra, không gọi tôi thì gọi con tôi, giục nhà ai làm sao rồi, mau mau đi xem xem. Bức tường sân đổ tiếng kêu to như thế, tại sao không thấy mẹ ra gọi nhỉ? Tôi sai cháu đi xem bà có ở trong nhà không, cháu sang bảo không thấy bà đâu, tôi cứ tưởng mẹ ra ngõ xem nước, nên lại ngủ đi một lúc, thấy mót đại tiện, tôi dậy ra nhà xí, đứng ở đó chợt nhìn thấy một cái giày bó chân của mẹ trôi trong nhà xí. Tôi bắt đầu hoảng, cúi xuống bê mấy hòn đá xây đổ xuống, thì nhìn thấy một tay của mẹ giơ lên. Khi mẹ tôi đi đại tiện bị bức tường sập đổ đã vùi chết tại đó. Cái lão chủ tịch thành phố khỉ gió kia, suốt ngày bỏ tiền ra xây dựng nào là đường phố văn hoá, nào đường phố tranh chữ, sao không đem số tiền ấy xây nhà gác cho bọn mình nhỉ? Cứ cho nó mưa đi, mưa rõ to nữa đi, ngập cho bằng hết nhà cửa vùng này, dân chúng chết ráo cả, thì chủ tịch thành phố ông ta phải đến chứ?

Người đứng cạnh vội vàng nói:

- Thôi đừng nói thế nữa, anh có xem tivi không đấy? Mấy ngày này, chủ tịch thành phố sợ co vòi, chạy khắp nơi tíu tít cứu nạn. Nghe đâu khu đất trũng ở phía bắc cửa Tây thành phố đổ ba trăm gian nhà, có mười hai người chết. Vừa giờ đã gọi điện thoại chủ tịch thành phố sắp đến ngay bây giờ. Anh chớ có nói thế nữa. Chủ tịch thành phố thực lòng đến cứu nạn, chắc chắn sẽ hạ quyết tâm trích tiền trích hàng cho dân cư vùng này. Chủ tịch thành phố cũng là người ấy mà, anh nói chối tai quá, ông ấy sẽ tức giận, một khi đã tức giận, thì nên trích ra một triệu chi phí cứu tế, cũng có thể chỉ cho năm mươi vạn.

Anh Thuận gật đầu, hai tay đỡ tượng đất trẻ con nam nữ của một người hàng xóm mua về, nước mắt rưng rưng bước vào trong nhà bày ở hai bên bàn thờ của mẹ, quì tại chỗ khóc rống lên như con trâu già.

Liễu Nguyệt không đành lòng nhìn cảnh than khóc, cô vội vàng bước xuống bùn nước ra chỗ khác. Nghe thấy xa xa có tiếng xe, tiếng người, liền bước cao bước thấp đi theo phố hẹp, chiếc quần lại thành hai ống bùn đất, cô nhìn thấy có người vác máy quay phim đang quay. Một đám đông nhốn nháo, người thì khiêng ba máy bơm đi về đàng kia, người thì khênh những cuốn vải nhựa, có cả bác sĩ y tá và băng cáng. Liễu Nguyệt đã nhìn thấy Trang Chi Điệp . Liễu Nguyệt đi tới giật vạt áo của anh hỏi:

- Thầy Điệp cũng đến thật sao?

Trang Chi Điệp đáp:

- Chủ tịch thành phố gọi điện bảo đến hiện trường xem xét, sao anh không đến cơ chứ? Bà không sao chứ?

Liễu Nguyệt đáp:

- Không có chuyện gì, bà chỉ bảo anh đi đốt vàng cho ông, bà bảo hôm nay ông về.

Trang Chi Điệp bảo:

- Anh làm sao bỏ đi được? Ở đây xong có thể còn phải đến khu đất trũng ở phía bắc cửa Tây thành phố.

Liễu Nguyệt liền quay về, nhưng đã quay lại, khẽ hỏi:

- Ông nào là chủ tịch thành phố hả thầy?

Trang Chi Điệp liền chỉ vào một người cao to trong đám người đã đi vào đầu phố. Liễu Nguyệt bảo:

- Làm chủ tịch cũng vất vả thế ư?

Trang Chi Điệp đáp:

- Em cứ tưởng thế, làm chủ tịch thành phố cũng chẳng dễ đâu.

Liễu Nguyệt liền bĩu môi bảo:

- Mình chỉ thấy thằng ăn cắp bị đánh, nhưng chưa nhìn thấy thằng ăn cắp ăn thế nào!

Trang Chi Điệp trừng mắt nhìn Liễu Nguyệt rồi chạy theo đám đông kia. Đêm hôm ấy tạnh mưa. Trang Chi Điệp không về nhà. Chương trình chuyên đề tivi, chủ tịch thành phố báo cáo trước nhân dân toàn thành phố về tình hình chống úng cứu người. Ông nói thành phố cũ kỹ quá rồi, xây dựng trụ sở uỷ ban nhân dân thành phố mới, đã nợ nhỉều tiền quá, sau khi đã cải tạo bốn khu vực thấp trũng, thì năm nay, Uỷ ban nhân dân thành phố còn phải quyết tâm đóng góp tiền của nhân lực để cải tạo khu đất thấp trũng thuộc vùng Song Nhân Phủ và đoạn phía bắc cửa Tây thành phố. Còn Trang Chi Điệp thì ở trong một khách sạn do ban tuyên truyền tổ chức, mấy nhà báo của toà báo cùng với Trang Chi Điệp viết phóng sự về đợt chống úng cứu tế này ngay trong đêm. Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng về vụ chống úng cứu tế này đã viết một bài mấy vạn chữ gồm cả quy hoạch cải tạo vùng đất trũng trong năm nay và đăng toàn văn trên báo thành phố vào trưa ngày thứ ba. Khi rời khách sạn, Hoàng Đức Phúc thay mặt chủ tịch thành phố đến đặt tiệc thăm hỏi mọi người. Yến tiệc linh đình lắm, nhưng ai nấy mệt đừ, nên ăn không ngon, còn thừa đến một nửa. Hoàng Đức Phúc hỏi:

- Nhà văn Trang Chi Điệp có nuôi mèo không hả? lấy túi ny lông gói mấy con cá này đem về cũng là để khỏi lãng phí.

Câu nói này làm cho Trang Chi Điệp nghĩ ngay tới vợ Uông Hy Miên, thế là anh cho mấy con cá vào túi bóng, ra khỏi khách sạn liền phóng thẳng đến nhà Uông Hy Miên ở phố Vườn hoa cúc.

Uông Hy Miên mua một nhà gác nhỏ ở khu nhà cũ rồi sửa chữa lại. Trước nhà có một cây liễu to bóng râm trùm nửa sân. Lại trồng dây leo tường bốn chung quanh nhà, lá dây leo rậm rạp che kín, cả ngôi nhà gác giống như một đống cây xanh. Trang Chi Điệp bấm chuông ở khung cổng trước, lâu lắm không có người ra mở cửa, vừa đẩy cửa một cái, cánh cổng chỉ khép đã mở ra. Bước vào bên trong, vẫn không có ai ở sân, cũng không thấy có người giúp việc và bà già đi ra. Trên thềm đá to rộng đã mọc đầy rêu xanh,một chiêc lá rụng cuống lá mắc trong rêu, không biết thế nào lại bị gió thổi, cứ run rẩy phát ra tiếng kêu lao xao.

Trang Chi Điệp cảm thấy sau trận mưa lớn đã làm cho ngôi nhà gác này không chỉ yên tĩnh, mà còn có phần lạnh lẽo vắng vẻ. Đang phânvân không thấy người đâu, thì một con mèo từ trong nhà lăng lẽ chạy ra và ngồi xuống trước mặt anh ba bước, đưa đôi mắt sáng quắc nhìn anh, sau đó vẫy đuôi lại đi ra sảnh. Trang Chi Điệp biết đây là con vật yêu quý của bà chủ, liền đi theo con mèo ở trong sảnh, lại leo cầu thang quay cạnh tường, leo lên được vài bậc, nó quay đầu nhìn lại anh, anh cũng theo nó lên cầu thang. Cứ thế lên đến gác hai nhìn vào căn phòng ở cửa cầu thang, anh thấy vợ Uông Hy Miên bị ốm ủê oải ngả người vào đầu giường và đang cười không thành tiếng với anh.


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16
Phan_17
Phan_18
Phan_19
Phan_20
Phan_21
Phan_22
Phan_23
Phan_24
Phan_25
Phan_26
Phan_27
Phan_28
Phan_29
Phan_30
Phan_31
Phan_32
Phan_33
Phan_34
Phan_36
Phan_37
Phan_38
Phan_39
Phan_40
Phan_41
Phan_42
Phan_43
Phan_44
Phan_45
Phan_46
Phan_47
Phan_48
Phan_49
Phan_50
Phan_51
Phan_52
Phan_53
Phan_54
Phan_55
Phan_56
Phan_57
Phan_58
Phan_59
Phan_60
Phan_61 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .